Những ngày gần đây, chắc trên mạng rộ lên những thông tin như: Chương trình lớp 1 nặng nhất trong 30 năm gần đây, rồi bố mẹ la mắng con vì áp lực, hay là những hình ảnh chế bố mẹ phải “chui đầu vào tủ lạnh, tự buộc tay, cất hết dép trong nhà” mỗi khi dạy con học…. Vậy lí do là do đâu? Giáo viên, bố mẹ, học sinh hay tại Sách?
Là một giáo viên lớp 1, tôi mạo muội đưa ra những ý kiến chủ quan của cá nhân như sau:
1. Bố mẹ nói “áp lực”, có lẽ là đúng thế thật. Bạn thử tưởng tượng xem, 1 ngày làm việc vất vả, mệt nhọc ở cơ quan. Tối về lại lao vào “cuộc chiến” dạy con học từ a,bờ, cờ. Không mệt, không áp lực mới là chuyện lạ. Biết bao phụ huynh nhắn tin cho tôi rằng mẹ đã “tăng xông”, ba quát, mẹ mắng, thậm chí còn đòn roi, thế là hàng xóm chỉ trỏ: “Mới lớp 1 mà NHỒI mệt thế?” Ngày xưa, mình học có mệt thế đâu.
2. Quay lại Sách giáo khoa. Sách gì mà nặng nhất trong chương trình phổ thông 30 năm qua. Có lẽ nhìn vào sách thấy sợ thật. Con thì chưa kịp thuộc các âm đơn lại đã chuyển sang cả các phụ âm ghép. Còn chưa “đánh vần” nổi mà đã bắt “đọc trơn”? Than ôi…
3. Vậy là bố mẹ, rồi chương trình, rồi từ đó chuyển sang áp lực đến chính trẻ. BÁO ĐỘNG THẬT! Có lẽ chúng ta nên nhìn lại xem đã KHÔNG KHỚP nhau ở chỗ nào?
4. Liệu đã bao nhiêu bố mẹ nắm được mục tiêu học Tiếng việt?
Liệu bao nhiêu cô giáo “có tâm”, chỉ cho bố mẹ những điều đó? Đúng! Lớp 1, ĐỌC thông, VIẾT thạo. Nhưng mới 3 – 4 tuần mà con học thế thì khổ quá nhỉ?
5. Theo cá nhân tôi được đào tạo và qua kinh nghiệm dạy học thực tế của mình, đối với thời gian học đầu tiên của các con, tôi đặt mục tiêu cho con chỉ đánh vần, rồi từ từ đọc trơn những từ dễ, gồm những phụ âm đơn ghép với nguyên âm đơn như: cá, bố, mẹ,… Còn những từ khác, con đọc quen rồi sẽ thuộc. Và đặc biệt là không có chuyện: Mới 3 – 4 tuần mà đã bắt con Đọc – hiểu. (bố mẹ cần phân biệt rõ ĐỌC TRƠN và ĐỌC HIỂU). Đặc điểm về học ngôn ngữ là vậy, là cả một quá trình và hứng thú học tập của con là trên hết. Mình cùng đưa ra những giải pháp, vừa học vừa chơi. Như tôi hay bày cho bố mẹ, nếu con khó đọc quá, thì mẹ đọc 1 chữ, con đọc 1 chữ, thi xem ai đọc tốt hơn. Rồi cho con làm cô giáo, dạy lại bố mẹ xem. Mình thay đổi hình thức học đi, đừng chỉ chăm chăm ngồi bàn nữa.
6. Và hãy nhìn nhận đúng khả năng hiện tại của con, tại thời điểm này, con chỉ có thể đạt được mục tiêu này. Nhiều bố mẹ nói với tôi: “Thấy các bạn đọc tốt quá, sao bé nhà chị cứ mãi đánh vần”. Thế là bố mẹ và con lại tiếp tục lao vào cuộc chiến. Bố mẹ cứ tiếp tục gồng mình, rồi kì vọng quá và lại NHÌN CON NHÀ NGƯỜI TA.
7. Nhìn nhận đúng khác với việc thờ ơ, bỏ mặc, buông xuôi. “Không có áp lực, không có kim cương”. Xuất phát chậm không có nghĩa là chạy chậm. Mỗi ngày bố mẹ nên cho con tăng thêm một chút, tùy đúng năng lực của con. Đối với Tuệ Đức, giáo viên là người hiểu con nhất, đội ngũ chúng tôi giao cho con bài đúng theo năng lực của con, chú trọng chất lượng hơn số lượng. Con chỉ cần tốt hơn hôm qua 1 chút là sẽ động viên khen ngợi tạo động lực ngay. Trẻ mà, kể cả người lớn như chúng ta cũng vậy, chẳng phải là chỉ cần “cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nhấc bổng quả đất lên” – chẳng phải tự dưng người ta lại dành cho lớp 1 hai chữ “DẠY + DỖ”
8. Lại nói về chuyện con nhà người ta. Có những cháu tôi thấy 4 – 5 tuổi đã đọc vanh vách, rồi tay chân khua múa loạn lên để tính nhẩm. Nhưng rồi khi đặt cho các bài toán tính trên giấy thì chịu, chỉ giỏi tính tay. Nào thì đọc vanh vách, lên lớp chẳng còn hứng thú. Chưa kể đến việc bố mẹ nhiều khi còn dạy con đánh vần sai, cô lại dạy lại từ đầu. Cũng có bố mẹ cũng cho con thoải mái quá, chẳng quen ngồi bàn, học không nổi bảng chữ cái, đâm ra thành thói quen sợ học. Thế nên tôi luôn khuyên bố mẹ, tiền tiểu học, hãy cho con biết bảng chữ cái, biết các mặt số, ngồi bàn 10 – 15 phút rèn sự tập trung và chú trọng vào các kĩ năng tự phục vụ cho linh hoạt.
9. Vậy tóm lại, vấn đề có vẻ như chúng ta nên cần nhìn nhận đúng mục tiêu của sách, bố mẹ nên bình tĩnh hơn chút, Giáo viên nên là cầu nối giữa Sách giáo khoa và bố mẹ thêm 1 chút, Nhà trường hãy tạo những buổi họp phụ huynh để truyền đạt các mục tiêu của chương trình tới bố mẹ 1 chút, định hướng cho bố mẹ 1 chút thì cả 3 đã không vất vả.
Tại Trường Xanh Tuệ Đức, chúng tôi có một buổi gặp mặt toàn bộ phụ huynh khối 1 để bố mẹ cùng hiểu về chương trình, có HIỂU thì mới có ĐỒNG HÀNH, có ĐỒNG HÀNH thì mới có THƯƠNG. Hoặc những bài khó, bố mẹ không biết cách dạy con như thế nào cho hiểu, Giáo viên sẽ quay 1 clip hướng dẫn cho bố mẹ cụ thể.
10. “NỖ LỰC HƠN ÁP LỰC” – Chúng ta cùng nên tìm giải pháp thay vì ngồi kêu than, vì mọi việc mà giáo viên, bố mẹ làm đều là vì trẻ. Tôi thì luôn nhắn bố mẹ, hãy gửi những khó khăn tới cô để cô có thể kịp thời định hướng. Cần nhất đó chính là sự đồng hành giữa chúng ta. Như một câu nói mà tôi rất tâm đắc. “Một tay chẳng thể tạo thành tiếng vỗ”. Đơn phương một mình bố mẹ hoặc chỉ sự cố gắng của cô chẳng thể nào tạo thành quả, nhưng 2 tay xem , sẽ tạo thành tiếng vang thật lớn.
Vậy cuối cùng, bố mẹ đã sẵn sang tham gia “Đại học chữ to” chưa nào???
Chia sẻ từ cô Kim Ngân – Giáo viên lớp 1A2 Trường Xanh Tuệ Đức