Ngược dòng lịch sử
Vua Asoka (304-232 trước tây lịch), một vị vua Ấn Độ, vốn hung tàn bạo ngược thống lãnh một vùng lãnh thổ lớn nhờ vào các cuộc chinh phạt mở mang bờ cõi liên tiếp thành công. Sau khi lên ngôi được 8 năm, vua Asoka mở cuộc chiến ở Kalinga (nay thuộc bang Orissa, Ấn Độ). Sau trận chiến Kalinga, phần thắng thuộc về vua Asoka, nhưng con số 100 000 người bị giết và 150 000 người bị bắt làm tù binh đã đánh thức vị vua này về sự tàn bạo và vô lý của chiến tranh. Mốc lịch sử này đánh dấu sự quay về với Đạo Phật của vua Asoka.
Từ khi quy y trở thành người con Phật, nhà vua trở nên người nhân từ, hiền lành và đem tâm ôn hòa nhân từ cai trị quần dân, dùng chính sách hòa bình và thành tín trong bang giao với các nước láng giềng. Nhà vua thay tiếng trống trận bằng tiếng trống Pháp, coi việc chinh phục lòng dân bằng đạo đức là chiến thắng tối hậu. Nhờ thực hành chánh pháp, từ một bạo chúa, vua Asoka từ bỏ chính sách đàn áp xâm lăng và theo đuổi đường lối hòa bình đức trị. Nhà vua cho xây các trụ đá và ghi vào đó những chủ trương của nhà vua, cùng những lời hay ý đẹp nhắc nhở về lối sống đạo đức, làm thiện, tránh ác cho dân chúng rồi cho đặt ở các nơi công cộng dễ thấy.
Đến đâu, nhà vua ra lệnh khắc bia đá để làm tưởng niệm đến đó. Các trụ đá, bia ký và pháp dụ Asoka còn lưu giữ tại các viện bảo tàng ngày nay là những dấu của một vị vua thuần thành, một vị vua chủ trương cai quản quốc gia bằng tinh thần từ bi, hài hòa và trí tuệ.
Trị vì một lãnh thổ rộng hơn diện tích Ấn Độ bây giờ, đảm bảo đời sống thái bình thịnh vượng cho người dân, cai trị đất nước bằng đạo đức có thể nói là thành công vĩ đại nhất của vị vua Phật tử anh minh này. Hình ảnh vua Asoka trở thành biểu tượng lý tưởng cho những nhà lãnh đạo chân chính.
Chính vì chính sách quản lý và điều hành quốc gia của vua Asoka quá lý tưởng như vậy, ngay sau khi độc lập, biểu tượng đầu trụ đá bốn sư tử do vua Asoka dựng ở Sarnath được chọn làm quốc huy của Ấn Độ và một phần biểu tượng này được chọn làm một phần của lá cờ tổ quốc như một sự tri ân người xưa và khuyến khích người nay.
Tiếp thu ý tưởng
Với ước nguyện xây dựng ngôi trường đầu tiên tại Việt Nam kết tập tinh hoa của Khoa Học và Đạo Học với việc chú trọng giúp các em vun bồi những giá trị đạo đức làm người cốt lõi mà phương Đông đã xây dựng từ hàng ngàn năm qua, những nhà cộng sự sáng lập tâm huyết của hệ thống Trường Xanh Tuệ Đức đã quyết định chon tên trường và biểu tượng Logo trên nền tảng tiếp thu ý tưởng từ Trụ đá Ashoka – Trụ đá biểu tượng cho sự chân chính, từ bi và trí tuệ.
Tên trường: Tuệ Đức School.
Logo Tuệ Đức School được tạo thành từ 5 đối tượng, mỗi đối tượng đều có ý nghĩa riêng biệt:
1.Vòng tròn lớn bên dưới
2. Tám ngôi sao vàng
3. Hình tượng 4 con sư tử quay về 4 hướng
4. Bánh xe nhỏ nhiều căm và 4 linh vật dưới bệ đỡ sư tử
5. Dải băng có 3 chữ Trí Tuệ – Đạo Đức – Nghị Lực
1.Vòng tròn lớn bên dưới
Vòng tròn tượng trưng cho mặt trời, cho bầu trời rộng lớn và sự hoàn hảo không có sự phân biệt hoặc phân chia. Vòng tròn còn tượng trưng cho sự bao la không giới hạn của tri thức, của tấm lòng sẻ chia và của ý chí vượt qua thử thách mà con người cần hướng đến.
2. Tám ngôi sao vàng
Tượng trưng cho tám điều chân chánh cần rèn luyện mỗi ngày của đời người.
- Chánh kiến: Thấy, hiểu biết rõ và đúng từng vấn đề
- Chánh tư duy: Suy nghĩ về những điều thiện, đúng đắn
- Chánh ngữ: Lời nói hướng thiện, thông tin đúng, rõ giúp người khác hiểu đúng vấn đề
- Chánh nghiệp: Hành vi đúng đắn tạo được hiệu quả, phước thiện
- Chánh mạng: Chọn một nghề tốt đẹp, lành mạnh để làm, để cống hiến
- Chánh tinh tấn: Nỗ lực đến cùng, cố gắng đúng đắn cho những điều tốt đẹp
- Chánh niệm: Tỉnh táo và theo sát liên tục với những suy nghĩ, hành động hay lời nói
- Chánh định: Tập trung, không phân tán và bình tĩnh trong đời sống
Những yếu tố trong 8 điều chân chính bao trùm mọi phương diện trong cuộc sống: trí thức, đạo đức, xã hội, kinh tế và tâm lý; do đó, bao gồm mọi điều mà con người cần đến để có một đời sống tốt đẹp và tâm hồn phát triển.
3. Hình tượng 4 con sư tử quay về 4 hướng
Bốn đầu sư tử dựa lưng vào nhau là biểu tượng cho những nền tảng tốt đẹp là chân lý, trí tuệ, hòa bình và lòng từ bi và quay về bốn hướng chỉ cho những điều hay lẽ phải, những điều thiện lành đúng đắn được truyền bá khắp bốn phương
4. Bánh xe nhỏ và 4 linh vật xung quanh bệ đỡ sư tử
Trên bề mặt của bệ đỡ này có bốn bánh xe nhỏ, xen kẽ với bốn con vật xung quanh: một con voi, một con bò đực, một con ngựa và một con sư tử. Tiếp nối với đoạn hình trụ là đế bán cầu hình hoa sen dốc ngược.
Trên Logo, hình chụp trụ đá thấy được ba đầu sư tử dựa vào nhau, đầu sư tử thứ tư bị khuất phía sau. Ba trong bốn bánh xe được nhìn thấy, một bánh xe ngay chính giữa và hai bánh xe hai bên. Bốn con vật trên trụ đá chỉ thấy được con ngựa bên trái và con bò đực bên phải. Voi và sư tử khuất đằng sau.
Bánh xe tượng trưng cho Đạo đức, Trí tuệ, Nghị lực, những điều hay lẽ phải luân chuyển khắp mọi nơi mọi chốn.
Con voi tượng trưng cho sức mạnh, sự thận trọng, năng lượng và sự phán đoán đúng đắn, đó là tất cả những phẩm chất của một nhà lãnh đạo có tài và có đức.
Con bò đực là tượng trưng cho sự sung mãn hạnh phúc.
Con ngựa tượng trưng cho sự nỗ lực bước đi trên con đường tìm cầu hạnh phúc
Con sư tử tượng trưng cho sự thành tựu, uy lực cho cuộc đời rèn luyện viên mãn
5. Dải băng có 3 chữ Đạo đức – Trí tuệ – Nghị lực
Đó chính là 03 gốc rễ Nhân cách – Triết lý giáo dục của trường Tuệ Đức.
Phương pháp giáo dục Tuệ Đức duy nhất tại Việt Nam là kết tập tinh hoa của Khoa Học và Đạo Học. Tuệ Đức rất mong nhận được sự ủng hộ và đồng hành của quý vị Phụ huynh để cùng nhau kiến tạo một môi trường giáo dục mà ở đó các em có cơ hội Nuôi dưỡng Đạo đức – Trau dồi Trí tuệ và Rèn luyện Nghị lực giúp các em trở thành những người con trưởng thành mai sau.