Phụ huynh tự chuẩn bị nội dung bài dạy, đứng trên bục giảng để thiết kế một giờ học. Đó là những trải nghiệm mới mẻ trong “Ngày đồng cảm” của các bậc phụ huynh Trường phổ thông liên cấp Tuệ Đức (Hà Nội) thông qua một giờ trải nghiệm đứng lớp như giáo viên. Khi Nhập vai giáo viên, phụ huynh mới thấu hiểu và chia sẻ áp lực đứng lớp với các giáo viên.
Chuẩn bị cả tuần cho một tiết dạy
Buổi sáng ngày 20/11, lớp 3A1 có hai tiết học với chủ đề “Môi trường” và “Cách xử lý khi có mâu thuẫn với bạn bè”.
Giờ học hôm nay khác hẳn những ngày thường lệ.
Toàn bộ học sinh sẽ được tham gia vào một tiết học ngoài trời. Thay vì cô giáo chủ nhiệm đứng lớp, người dẫn dắt trong tiết học này là chị Đào Thu Hường, phụ huynh của học sinh Bảo Châu.
Giờ học diễn ra đầy hào hứng với các hoạt động ngay tại sân bóng của trường.
Từng tốp học sinh sẽ được tham gia tìm hiểu về trái đất, cùng trải nghiệm sự nóng lên toàn cầu thông qua các hoạt động nhóm.
Để thiết kế tiết học 45 phút này, chị Hường phải mất một tuần xây dựng bài giảng.
Đây cũng là lần đầu tiên chị được trực tiếp tham gia vào một giờ học của con trên trường.
Hai năm trước, chị Hường từng cho con theo học tại một trường công lập trên địa bàn quận Đống Đa.
“Tuy nhiên, tại ngôi trường con theo học trước đây không có nhiều cơ hội cho phụ huynh được tham gia vào các hoạt động học tập trên lớp như thế này. Do vậy mình cũng hồi hộp lắm!” – Chị Hường chia sẻ cảm xúc ngay trước tiết dạy.
Là người làm việc trong lĩnh vực môi trường, chị Hường lựa chọn vấn đề hiệu ứng nhà kính và biến đổi khí hậu để giới thiệu tới các con.
Lĩnh vực này, theo chị Hường, có phần hơi khô khan và nặng so với khả năng tiếp nhận của học sinh lớp 3.
“Vì vậy mình phải dành một tuần để tìm hiểu cách các con tiếp cận kiến thức và xây dựng bài giảng làm sao cho thật sự lôi cuốn. Mình nghĩ rằng cách thu hút học sinh tốt nhất là tổ chức các hoạt động nhóm. Khi các con vận động bằng tay chân, sự tập trung của các con sẽ dồn vào hoạt động đó. Nhờ vậy, dù ít hay nhiều các con cũng sẽ nắm bắt được một số từ khóa sau khi bài học kết thúc. Mặc dù đã chuẩn bị kỹ lưỡng nhưng mình vẫn gặp phải khó khăn trong việc truyền tải nội dung bài giảng tới toàn bộ gần hai chục học sinh. Qua đó mới thấy khâm phục các cô giáo biết nhường nào”.
Tiết học về môi trường kết thúc, các học sinh của lớp 3A1 tiếp tục tham gia vào bài dạy với chủ đề “Cách xử lý khi có mâu thuẫn với bạn bè”.
Thông qua các tình huống giả định, phụ huynh Nguyễn Thị Uyên Lan đã giúp các bạn nhỏ được nhập vai và đưa ra cách giải quyết trong những tình huống cụ thể.
Thay vì ngồi tĩnh lặng nghe cô giáo giảng bài, bé Hà Linh hào hứng hòa mình vào các tình huống cùng cậu bạn chung bàn.
“Hôm nay con cảm thấy giờ học rất vui. Con hi vọng lần sau bố mẹ con cũng có thể tham gia để dạy những tiết học như thế này”.
“Có đồng hành mới cảm thông với áp lực giáo viên”
Không chỉ riêng lớp 3A1, các phụ huynh tại 13 lớp học khác cũng hào hứng tham gia trải nghiệm với vai trò giáo viên của con trong một tiết học.
Bất kỳ lĩnh vực nào mà phụ huynh am hiểu cũng có thể đưa vào bài giảng của mình.
“Ngày đồng cảm” được cô hiệu trưởng Phạm Thị Tâm giới thiệu, đó là dịp để phụ huynh và giáo viên có thể gắn kết với nhà trường.
Trong ngày này, một phụ huynh hiểu rõ về việc trồng rau sạch có thể hướng dẫn học sinh cách trồng và chăm sóc cây; một phụ huynh giỏi nấu ăn có thể hướng dẫn học sinh cách làm các loại bánh đơn giản; một phụ huynh là kỹ sư, bác sĩ có thể dạy các con về những vấn đề tâm sinh lý của trẻ,…
“Nhờ vậy, học sinh có cơ hội được học thêm những kỹ năng, kiến thức đa dạng mà chương trình học tại trường chưa chắc đã có. Ngoài ra, hoạt động này còn giúp các con nhận thức được để trở thành con người hoàn thiện thì việc học không chỉ dừng lại ở kiến thức trên trường mà cần đón nhận từ nhiều nguồn khác nhau”.
Chị Nguyễn Thị Uyên Lan tham gia vào bài dạy với chủ đề “Cách xử lý khi có mâu thuẫn với bạn bè”
Chia sẻ về lý do tham gia vào lớp học này, chị Nguyễn Thị Uyên Lan cho biết, mong muốn của chị là biết con mình học như thế nào và nhận lại được những gì qua mỗi tiết học trên trường.
Kết thúc giờ dạy, bản thân chị cũng phải thừa nhận “trẻ con bây giờ học không còn giống như bố mẹ chúng ngày xưa nữa”.
“Thực sự, có đồng hành mới cảm thông được với áp lực của giáo viên. Ngoài những áp lực về cái nhìn của xã hội đối với nghề giáo thì khi bước chân lên bục giảng, các thầy cô còn phải chịu những áp lực vô hình ngay từ phía phụ huynh. Ngoài ra, việc truyền đạt kiến thức tới 20 học sinh cũng không phải điều dễ dàng. Mình chỉ dạy hai đứa con ở nhà đôi khi cũng phải “phát hoảng”. Trong khi các cô phải quản lý tới 20 học sinh thì việc tiếp cận với tất cả các con cũng là một thử thách thực sự khó khăn”.
Còn chị Đào Thu Hường chia sẻ: “Một tiết học 45 phút phải cần đến một tuần chuẩn bị mới thấy hết sự vất vả của thầy cô trong suốt 8 tiếng làm việc trên lớp. Bản thân mình sau thời gian dạy trải nghiệm mới nhận thấy rằng nghề giáo thực sự quá khắc nghiệt. Nếu không có một trái tim rộng, các cô giáo khó có thể vượt qua được các tình huống và bao dung được với những lỗi lầm của các con”.
Nguồn: Vietnamnet.vn
Hotline: 0834.699.699
Fanpage: facebook.com/TruongLiencapTueduc