Sợ lắm những chiếc phong bì!

Sợ lắm những chiếc phong bì!

“Phải chăng nền giáo dục của chúng ta đang dạy cho những đứa trẻ học cách đút lót ngay từ khi còn bé?” Bạn có đau lòng không khi đó là lời của một phụ huynh tâm sự với một người thầy?
Lòng tri ân Ngày Nhà giáo Việt Nam 20-11 là một nét đẹp cao quý của tinh thần Tôn Sư Trọng Đạo. Ngày xưa học trò cặm cụi làm thiệp, vẽ tranh, sáng tác thơ văn,… làm quà tặng cô thầy. Những món quà giản đơn như dầu gội, xấp vải hoa,… góp từ tiền tiết kiệm, từ tấm lòng mộc mạc và chân chất của những cô cậu học trò làm lòng người thầy ấm áp vô cùng.
Từ bao giờ tình cảm thầy trò biến tướng, thương mại hóa và quy đổi thành tiền? Nhiều người nói 20-11 là “mùa thu hoạch” của thầy cô. Nhiều phụ huynh suy nghĩ rằng không tặng quà con mình sẽ bị phân biệt đối xử, vì thế đến ngày tri ân hay mỗi dịp lễ tết đều mang quà đến nhà thầy cô và yên tâm với việc mình đã hoàn thành “nghĩa vụ”.
Nhiều phụ huynh giữa nhiều người lớn tiếng phê phán chuyện đi phong bì cho thầy cô, chuyện đút lót, hối lộ đổi điểm số, thành tích. Vậy mà chính họ lại lén lút chuẩn bị quà, phong bì đến nhà và “gửi gắm” con cho thầy cô. Rồi khi vừa dắt xe ra khỏi cổng, phụ huynh đã vội tặc lưỡi, bĩu môi rồi thêu dệt những câu chuyện không hay về giáo viên. Nói một cách thẳng thắn thì nhiều khi thầy cô bị chính phụ huynh “tập hư” bằng những chiếc phong bì.
Kết quả hình ảnh cho nhà giáo nói không với phong bì
Việc giữ cái tâm trong sáng của nghề giáo cũng như sự tin yêu, kính trọng của học sinh, phụ huynh là cực kỳ khó. Chỉ cần một chút sơ sẩy, một phút yếu lòng, thành trì của một nhà giáo mẫu mực sẽ bị sụp đổ mỗi dịp 20-11.
 
Ý nghĩa của một món quà không chỉ ở giá trị mà còn ở mục đích tặng và cách tặng. Những món hàng mua vội trong cửa tiệm chẳng bao giờ sánh được với quà do trò tự tay sáng tạo, chuẩn bị, dẫu chỉ là một cánh thiệp hơi vụng về, bó hoa còn chưa khéo hay một lọ thủy tinh gấp sao xếp hạc,… Nếu một món quà trao đi chẳng mang chút tình cảm nào của người gửi, đơn thuần là nghĩa vụ tặng quà hay chứa đựng toan tính thì xin đừng tặng! Phụ huynh chẳng vui vẻ tặng quà thì sao tìm được niềm vui của giáo viên? Đó là lúc lòng người thầy nặng trĩu bởi “của biếu là của lo, của cho là của nợ”.
 
Xin phụ huynh đừng thay con tặng quà, đừng lên ý tưởng, mua quà, gói quà đến trao quà cho thầy cô. Điều đó khiến cho ý nghĩa của Ngày Nhà giáo mất đi, không còn trong sáng như những ngày xưa.
 
Và món quà quý giá nhất mà bất kỳ người thầy nào cũng muốn nhận chính là sự trưởng thành và hạnh phúc của các con.
Nguồn ảnh; Sưu tầm
Thầy cô giáo hạnh phúc sẽ thay đổi thế giới!