Khen con như thế nào để đúng cách?

Khen con như thế nào để đúng cách?

Chúng ta vẫn thường khen con theo thói quen như “Con giỏi quá “, ” Con ngoan quá”, “Con thông minh quá” . Vô tình cách khen đó gây ảo tưởng và không tốt cho trẻ.

Vậy khen sao cho đúng để bé cảm thấy được động viên và cố gắng hơn?

Khen trẻ cũng cần khen đúng nếu không sẽ phản tác dụng

Có 3 nguyên tắc khi khen ngợi trẻ:

1.Khen cụ thể không khen chung chung

“Giỏi quá!” đây là cách khen thường gặp nhất của người lớn với trẻ con. Trong mắt các bậc phụ huynh, mỗi bước trưởng thành của con đều đáng mừng, đáng khen – bé biết cười, bé biết lật người, bé biết bò, bé biết nói…chính trong lúc vui vẻ đó, bố mẹ quen khen bé “giỏi quá!” “tuyệt lắm!” thậm chí cả đến câu cảm thán “Oa! A!” cũng đầy sự tán thưởng. Khen trẻ một cách qua loa như vậy, ví dụ như giỏi lắm, sẽ khiến trẻ thấy khó hiểu. Có lẽ trẻ chỉ bê một mâm cơm nhưng mẹ lại vui mừng quá mức khen bé “Ngoan quá, con giỏi lắm!”.

Không bằng hãy nói với con 1 cách cụ thể về hành động con làm “Cảm ơn con giúp mẹ bê cơm nhé, mẹ rất vui!”. Cách khen ngơi cụ thể như vậy trẻ sẽ dễ tiếp nhận hơn, hiểu được sau này nên làm như vậy, hiểu sau này nên cố gắng như nào.

Khen sự nỗ lực của con, không khen sự thông minh

2. Khen sự nỗ lực, không khen thông minh

“Thông minh quá!” – lại là một cách phụ huynh hay dùng để khen con. Mỗi bước tiến bộ của trẻ đều được định nghĩa bằng từ “thông minh”, kết quả chỉ có thể khiến trẻ cho rằng thành tích tốt tương quan với thông minh, một mặt khiến trẻ trở nên “tự phụ” chứ không phải “tự tin”, mặt khác, khi phải đối mặt với thách thức trẻ sẽ chọn cách trốn trách, bởi không muốn xuất hiện kết quả không tương quan với sự thông minh.

Một nhóm nghiên cứu của Mỹ từng cho một nhóm trẻ lớp mầm non làm một vài câu hỏi khó, sau đó, nói với một nửa số trẻ: “Con trả lời đúng 8 câu, các con thông minh quá!” nói với một nửa còn lại: “Con trả lời đúng 8 câu, các con rất chăm chỉ!”
Sau đó giao cho trẻ lựa chọn hai loại nhiệm vụ: một là có thể làm sai nhưng sẽ học thêm được điều mới, hai là nếu nắm chắc sẽ làm rất tốt. Kết quả, 2/3 số trẻ được khen thông minh chọn nhiệm vụ dễ hơn, 90% trẻ được khen chăm chỉ lựa chọn nhiệm vụ có tính thách thức cụ thể.

Khen việc thật, không khen tính cách

3. Khen việc thật, không khen tính cách

“Ngoan quá!” là cách “khen tính cách” điển hình, phụ huynh vô tình biến câu nói đó thành câu cửa miệng. Nhưng “ngoan” là một khái niệm rất mơ hồ, nếu trẻ thường xuyên được khen quá mức, ngược lại sẽ là áp lực đối với con.

Người lớn cũng vậy, khi lãnh đạo thường xuyên khen, lúc mới đầu còn gật gù đắc ý, nhưng dần dần sẽ cảm thấy áp lực, thậm chí không muốn làm quá hoàn hảo để tìm cơ hội xả hơi.

Nếu như phụ huynh thường khen con quá lời, trẻ cũng sẽ có áp lực, cảm thấy bản thân không xứng. Trẻ sẽ làm sao? Chính là khi bạn vừa khen trẻ xong, trẻ gây ra chuyện khiến bạn đau đầu để thể hiện “sự thật”.