Isaac Newton Jr. là một nhà vật lý, nhà thiên văn học, nhà triết học, nhà toán học, nhà thần học và nhà giả kim thuật người Anh, được nhiều người cho rằng là nhà khoa học vĩ đại và có tầm ảnh hưởng lớn nhất.Theo lịch Julius, ông sinh ngày 25 tháng 12 năm 1642 và mất ngày 20 tháng 3 năm 1727; theo lịch Gregory, ông sinh ngày 4 tháng 1 năm 1643 và mất ngày 31 tháng 3 năm 1727.
Luận thuyết của ông về Philosophiae Naturalis Principia Mathematica
(Các Nguyên lý Toán học của Triết học Tự nhiên) xuất bản năm 1687, đã mô tả về vạn vật hấp dẫn và 3 định luật Newton, được coi là nền tảng của cơ học cổ điển, đã thống trị các quan niệm về vật lý, khoa học trong suốt 3 thế kỷ tiếp theo. ông cho rằng sự chuyển động của các vật thể trên mặt đất và các vật thể trong bầu trời bị chi phối bởi các định luật tự nhiên giống nhau; bằng cách chỉ ra sự thống nhất giữa Định luật Kepler về sự chuyển động của hành tinh và lý thuyết của ông về trọng lực, ông đã loại bỏ hoàn toàn Thuyết nhật tâm và theo đuổi cách mạng khoa học.
Wikipedia
Câu nói hay của Isaac Newton
“Điều ta biết là giọt nước, điều ta chưa biết là đại dương.”
“What we know is a drop, what we don’t know is an ocean.”
“Nếu có bao giờ tôi tìm được những phát kiến giá trị, đó là nhờ chú tâm kiên trì hơn là nhờ bất cứ tài năng nào khác.”
“If I have ever made any valuable discoveries, it has been due more to patient attention, than to any other talent.”
“Tôi không biết thế giới nhìn tôi như thế nào, nhưng đối với tôi, dường như tôi chỉ là một đứa bé chơi đùa trên bờ biển, đôi lúc trong vui vầy tìm thấy một hòn sỏi trơn nhẵn hay một vỏ ốc đẹp đẽ hơn bình thường, trong khi đại dương sự thật còn chưa được khám phá trải bao la phía trước.”
“I do not know what I may appear to the world, but to myself I seem to have been only like a boy playing on the sea-shore, and diverting myself in now and then finding a smoother pebble or a prettier shell than ordinary, whilst the great ocean of truth lay all undiscovered before me.”
“Chúng ta xây quá nhiều tường và chẳng đủ cầu.”
“We build too many walls and not enough bridges.”
“Con người có thể tưởng tượng ra những điều không thật, nhưng anh ta chỉ có thể hiểu được điều có thật, bởi nếu nó đã không thật, sự lĩnh hội về nó không phải là thấu hiểu.”
“A man may imagine things that are false, but he can only understand things that are true, for if the things be false, the apprehension of them is not understanding.”
Câu chuyện hay về Isaac Newton
Sự thật về Isaac Newton và quả táo rơi
Những tài liệu được viết bằng tay, miêu tả chi tiết về việc nhà khoa học Isaac Newton đưa thuyết vạn vật hấp dẫn sau khi ông chứng kiến những trái táo rơi từ trên cây xuống đất, đã lần đầu tiên được Hội Hoàng gia Anh cho công bố trên Internet.
Tài liệu miêu tả khoảnh khắc nhà khoa học Newton phát hiện ra thuyết vạn vật hấp dẫn là một phần trong cuốn sách dày 1752 trang về tiểu sử các nhà khoa học vĩ đại của tác giả William Stukeley. Cho đến trước thời điểm công bố rộng rãi, cuốn sách quý hiếm này vẫn được lưu giữ tại Hội Hoàng Gia (Royal Society).Bản báo cáo viết tay này là một trong số những tài liệu về Newton được công khai trên internet bởi Viện Hàn lâm Anh quốc nhân kỷ niệm 350 năm thành lập viện này.
Lord Rees, chủ tịch Hội Hoàng Gia, nói: “Cuốn sách của Stukeley cung cấp những thông tin giá trị và chính xác về tiểu sử của các nhà khoa học nổi tiếng trên thế giới. Tôi rất vui khi cuốn sách này được số hóa và đưa lên mạng. Điều này sẽ cho phép mọi người có thể dễ dàng tiếp cận với những tài liệu viết tay có một không hai này”.
Stukeley cũng sinh ra ở Lincolnshire và đã sử dụng quan hệ này để kết bạn với Newton. Stukeley đã vài lần trò chuyện với anh bạn thâm niên hơn kia, và hai người gặp nhau đều đặn vì là thành viên của Hội Hoàng gia, và trao đổi với nhau. Vào một dịp đặc biệt trong năm 1726, Stukeley và Newton đã có một buổi ăn tối chung với nhau ở London.
“Sau buổi tối, tiết trời đang ấm áp, chúng tôi đã tản bộ ra vườn và uống trà dưới tán một số cây táo, chỉ có ông và tôi”, Stukeley viết trong tập bản thảo viết tay kĩ càng mà Hội Hoàng gia cho công bố.
“Giữa những bài thuyết giảng khác, ông bảo tôi, ông lại ở trong tình huống tương tự, như trước đây khi ý tưởng về lực hấp dẫn xuất hiện trong đầu của ông. Tại sao quả táo đó luôn luôn rớt thẳng đứng xuống đất, ông tự nghĩ mãi; nhân lúc một quả táo rơi xuống, khi ông ngồi trong tư thế suy tư.
“Tại sao nó không rớt sang bên, hay rớt lên trên cao? Mà cứ luôn phải rớt xuống tâm trái đất? Nhất định lí do là trái đất đã hút nó xuống. Phải có một sức mạnh hút kéo nào đó ở vật chất. Và tổng sức mạnh hút kéo trong vật chất của trái đất phải nằm ở tâm của trái đất, chứ không nằm ở bất kì chỗ nào khác của trái đất.
“Vì thế, quả táo này có rơi vuông góc hay tiến về phía tâm ấy hay không? Nếu vật chất theo cách đó hút lấy vật chất, thì nó phải tỉ lệ với lượng của nó. Do đó, quả táo hút lấy trái đất, đồng thời trái đất hút lấy quả táo”.
Tác giả Stukeley cũng thu thập các tư liệu về thời niên thiếu của Newton trong thời gian định cư và học ở Grantham, Lincolnshire. Trong đó, một câu chuyện đã ghi lại rằng lúc nhỏ nhà bác học Newton đã dựng được một mô hình của cối xay gió và làm nó hoạt động như cối xay gió thực.
Nhà bác học vĩ đại Isaac Newton: Nỗi niềm niên thiếu
Bà Hannah Ayscough, nữ chủ nhân của trang trại Manor tại làng Woolsthorpe nhận được lá thư của Hiệu trưởng Henry Stokes ở trường học tại thị trấn Grantham gần đấy. Thầy hiệu trưởng muốn mời mẹ của cậu học trò Isaac Newton lên Grantham để bàn một chuyện quan trọng liên quan tới tương lai của cậu bé.
Bà Hannah thừ người ra. Thầy Stokes hẳn phải biết bà bận bịu thế nào với công việc ở trang trại. Nhưng một khi thầy đã viết thế thì hẳn câu chuyện cần bàn phải là quá quan trọng, không thể đừng được. Thế là sớm hôm sau, bà Hannah dậy từ lúc trời còn tờ mờ sáng, tự tay thắng ngựa vào xe. Người chồng đầu tiên của bà đã qua đời từ lâu, người chồng thứ hai cũng mới mất nên mọi việc gọi là của đàn ông đều phải do bà tự tay đảm đương.
Vừa đánh xe đi trên con đường mùa xuân ẩm ướt, bà Hannah vừa trầm tư nghĩ về chuyện: cậu con trai cả Isaac đã làm cho bà vất vả biết chừng nào. Cha cậu, cũng tên là Isaac, đã chết khi vợ còn đang bụng mang dạ chửa. Ông đã trăng trối lại: “Nếu em sinh ra con trai, thì hãy đặt tên anh cho nó!”. Và đúng như người cha mơ ước, bà Hannah đã sinh hạ một cậu con trai. Khi nhà khoa học vĩ đại tương lai cất tiếng khóc chào đời cũng là lúc nước Anh đang chìm trong cuộc nội chiến đẫm máu giữa những người ủng hộ ông vua Charles I với thủ lĩnh lực lượng Thanh giáo cực hữu Oliver Cromwell. Họa vô đơn chí, Isaac đã bị đẻ non và trông cực kỳ dở sống dở chết. Khi vừa sinh ra, cậu nhỏ tới mức cho vào vừa một vại bia, cổ ngặt ngà ngặt nghẹo. Khó khăn lắm bà Hannah mới nuôi dưỡng được cậu con cả thoát hiểm nghèo.
Khi Isaac lên hai tuổi, mẹ cậu đã đi bước nữa làm vợ một cha xứ. Vị cha xứ này mặc dầu rao giảng rất hay về tình đồng loại nhưng lại không muốn cho cậu con riêng của vợ về sống cùng với gia đình mình. Thế là Isaac phải ở lại với bà ngoại ở làng Woolsthorpe trong nỗi sầu nhớ mẹ vô tận…
Mãi tới khi người chồng thứ hai cũng từ bỏ cõi trần, bà Hannah mới cùng ba đứa con có với ông trở lại trang trại ở làng Woolsthorpe. Isaac mừng rỡ như bắt được cả kho vàng, lúc nào cũng bám theo mẹ như sợ lại bị lạc mẹ lần nữa và luôn miệng hỏi xem mẹ có định tái giá thêm lần nữa hay không… Cậu làm mẹ rầu rĩ hơn: vóc dáng thấp bé nhẹ cân hơn hẳn các bạn bè đồng lứa, rất chậm hiểu, học nói, học đọc, học viết rất khó khăn…
Khi nảy sinh vấn đề có nên gửi Isaac lên Grantham học tiếp hay không, bà mẹ đã khóc nức nở vì không biết phải làm thế nào. Cậu bé ở trang trại chỉ thích đục, đẽo, cưa, cắt chứ không quan tâm tới việc gì khác nữa. Đúng lúc ấy, người anh cả của bà, ông William Ayscough, một giáo sĩ, một nhà nghiên cứu thần học tới trang trại chơi. Bà hỏi ý kiến anh mình. Ông William đăm chiêu suy nghĩ rất lâu rồi mới đáp:
– Anh biết là cô nghĩ rằng, thằng bé này có học hay không thì cũng là công cốc công cò thôi…
– Anh nói đúng quá đi mất.
– Nhưng có cái gì đó khiến anh không thể đồng ý với cô.
Cái gì vậy?
– Đôi mắt của thằng bé! Cô hãy nhìn đi: mắt Isaac rất thông minh. Anh lo là cô sẽ phạm một sai lầm lớn nếu không cho nó được học hành tử tế.
Làm sao mà bà Hannah không nghe theo lời anh cả. Trong gia tộc Ayscough, ông William không chỉ đơn thuần là một giáo sĩ có uy tín mà còn là người có học vấn cao nhất, từng tốt nghiệp Đại học Cambridge…
Bà Hannah còn bàn chuyện về Isaac với một người bạn gái thân, bà Katherine Babington Storer, người đã lấy chồng là ông William Clark, một chủ hiệu thuốc ở Grantham. Nghe xong chuyện, bà Katherine đã lại nói với chồng để ông đồng ý cho cậu con trai của bạn vợ tá túc trong nhà ông khi lên học ở Grantham. Khi hay tin mình sẽ phải đi học xa mẹ, Isaac mặt tái nhợt đi nhưng không dám cưỡng lời người lớn…
Ông Storer nhân hậu đã dành cho cậu bé cả một căn gác áp mái, còn bà vợ ông đã thường xuyên chăm lo ăn uống cho Isaac. Có điều, hai cậu con trai của họ, Edward và Arthur, đồng niên với Isaac, ngay từ lần nhìn thấy đầu tiên đã có ác cảm với nhà khoa học vĩ đại tương lai. Hai cậu bé này không thích cách xử sự rất tự lập của Isaac và đặc biệt không thích việc cậu cứ chơi búp bê với cô em gái út Anne của chúng.
Ghét Isaac nhất là Arthur (Edwarrd thường là hay a dua theo em trai). Cao hơn Isaac cả một cái đầu, mới 14 tuổi mà đã lún phún ria mép, Arthur tận dụng mọi cơ hội để có thể vô cớ bạt tai hay ngáng chân anh bạn tội nghiệp. Của đáng tội, Isaac cũng không phải vừa, cũng biết cách tìm dịp thuận tiện để đứng từ trên căn gác áp mái đổ cả chậu nước xuống đầu địch thủ hoặc cướp của hai anh em nhà Storer bánh kẹp rồi điềm nhiên ăn trước chúng…
Anh em nhà Storer học cùng lớp với Isaac và đã vận động được cả lớp chống lại nhà khoa học vĩ đại tương lai. Các giáo viên cũng có vẻ ác cảm với Isaac, họ không chịu được chuyện cậu học trò ngồi trong lớp trông rất hiền ngoan nhưng gương mặt thể hiện rõ rằng, tâm trí cậu đang bay bổng ở nơi đâu đó thật xa… Rốt cuộc là về sức học ở trong lớp thì Isaac chỉ đứng trên một cậu học trò khác, có triệu chứng đần độn rõ rét đến mức cha mẹ cậu đang dự định cho cậu vào trại điều dưỡng tâm thần…
Ở Grantham khi đó chỉ có một người lớn thực sự xót xa và bảo vệ Isaac. Đó là thầy Hiệu trưởng Henry Stokes. Nhưng ông không thể nào hiểu được, tại sao cậu bé lại ghét học đến thế. Isaac dị ứng nhất với môn tiếng Latinh, cả nói lẫn viết: trong suốt từng ấy năm học, chưa bao giờ cậu trả lời được rành rẽ một câu hỏi nào của thầy dạy môn này…
Mải chìm vào dòng suy nghĩ, bà Hannah đã lên tới Grantham lúc nào chẳng rõ. Do không có phòng làm việc riêng nên thầy Hiệu trưởng Stokes tiếp bà ngay ở ngoài sân trường.
– Thưa thầy, có lẽ thầy muốn tôi lên đây để đưa con trai tôi về nhà thôi khỏi phải học nữa? – bà Hannah lên tiếng.
Thầy Hiệu trưởng mỉm cười và đáp:
– Nếu mà trước đây một tháng thì có lẽ tôi đã khuyên bà như thế. Thực sự thì nếu trời không phú cho cháu năng khiếu học tập thì việc gì ta phải làm khổ nó đến thế. Và việc gì mà khiến các giáo viên phải khổ với một học trò như vậy… Tuy nhiên, bây giờ khác rồi, tôi sẽ không để cho bà mang Isaac đi đâu cả. Cháu nó đã có những thay đổi kỳ diệu, học chăm chỉ hẳn lên, làm thầy cô ai cũng vui mừng…
– Có chuyện gì xảy ra vậy, thưa thầy?
– Tôi cũng không rõ nữa. Bao nhiêu năm làm nghề này tôi cũng chưa từng thấy một trường hợp nào tương tự như thế. Một đứa trẻ tối dạ thì ta dạy dỗ bao nhiêu nó vẫn tối dạ như thế. Nhưng Isaac thì khác hẳn. – Vốn sùng đạo, ông Stokes đưa tay lên làm dấu. – Tôi hy vọng là không có chuyện ma làm quỷ ám ở đây.–PageBreak–
– Lạy chúa, nếu có chuyện gì thì tôi sống sao nổi! Nhưng tại sao lại thế?
– Tôi cũng không biết nữa. Có lẽ bà nên hỏi bà Storer xem sao…
Gặp người bạn gái thân thiết, bà Hannah nói:
– Tôi nghe ông Stokes nói là Isaac đã trở nên sáng dạ và chỉn chu hơn. Nhưng không rõ vì sao…
– Tôi cũng nghe như thế. Và cũng muốn hỏi chị nguyên do là ở đâu…
Muốn giúp bạn mình hiểu rõ hơn sự tình, bà Storer nhìn qua ngoài cửa sổ và gọi cô con gái út đang chơi ngoài sân vào:
– Con thân yêu, mẹ cùng bác Hannah ngồi đây và không làm sao hiểu nổi: vì đâu mà Isaac lại trở nên chăm chỉ học hành như thế? Con có biết không? Chẳng gì con cũng đã luôn luôn chơi thân với Isaac cơ mà…
– Mẹ à, – cô bé cười khanh khách. – Anh Isaac lúc nào mà chẳng hay…
– Nó đã rất hay cãi cọ với Arthur. Tại sao bây giờ hai đứa lại thân nhau đến thế?
– Thì mẹ hỏi anh Arthur xem sao…- cô bé lại cười khanh khách rồi chạy ra ngoài sân…
– Con bé hay thật nhỉ… – bà Hannah nói với bạn…
Đến trưa, hai anh em trai nhà Storer và Isaac từ lớp học về nhà. Thấy con trai, bà Hannah mừng rỡ chạy ra sân để ôm và hôn con trai. Thế nhưng, thấy mẹ, Isaac cau mặt lại tránh xa và đi lên tầng áp mái của mình.
– Sao lại thế, con trai? – bà Hannah kinh ngạc. – Con không vui khi mẹ tới thăm con ư?
– Nhưng mẹ tới đây làm gì? Con không thích mẹ mang con về làng đâu… Con ở đây ổn lắm…
– Trời ơi, nhưng trước con vẫn khóc lóc van xin mẹ mang con về làng cơ mà?
– Nếu mẹ còn nói tới chuyện con khóc thì con sẽ ở lại đây mãi mãi đấy! – Isaac dọa mẹ. Rồi lát sau, cậu nói: – Nhưng thôi, mẹ lên đây con sẽ cho xem cái này…
Khi hai mẹ con lên trên tầng áp mái của ngôi nhà, Isaac đã chỉ cho mẹ xem mô hình cối xay ở Grantham mà bà Hannah đã không chỉ một lần phải nhờ cậy. Cậu chỉ cho mẹ cả con chuột mà cậu đã buộc vào đá cối xay có thể chạy theo vòng tròn theo hướng một cục mỡ treo trước mũi nó để làm chuyển động mô hình cối xay này.
– Con đã tự nghĩ ra ư?
– Vâng, con tự nghĩ ra…
Ba Hannah bỗng rơi lệ vì sự sáng dạ của con trai mình. Hoá ra Isaac không chỉ khéo tay mà còn thông thái nữa. Lẽ ra bà phải hiểu rõ con trai mình trước. Mùa hè năm ngoái, chính Isaac đã làm ra một cái đồng hồ mặt trời ở làng Woolsthorpe mà tới bây giờ người dân ở đó vẫn phải dựa vào để xác định thời gian. Còn ở Grantham thì, như lời bà Stores kể, Isaac đã làm ra cả đồng hồ nước, một xe tự hành có bàn đạp và cả một ống nhìn nào đấy mà qua đó, đêm đêm có thể nhìn lên trời quan sát các vì sao…
– Con thế là tốt rồi, – trước khi về làng, bà Hannah nói với Isaac. – Một khi con đã học tốt rồi thì con cứ ở đây thêm năm nữa. Nhưng sau một năm con phải về làng thôi vì mẹ cũng cần con ở trang trại lắm.
Isaac bật cười.
– Mẹ nói gì sai à?
– Không, mẹ không nói gì sai cả. – Isaac trở nên nghiêm túc. – Đơn giản là vì cách đây không lâu thôi, con cứ nghĩ rằng chẳng ai cần tới con cả.
– Mẹ có lỗi với con. Hãy tha lỗi cho mẹ nhé! Bận bịu quá nên mẹ con mình đã không đủ thời gian để quan tâm tới việc quan trọng nhất!
– Mẹ, mẹ không cần phải nói thế đâu…
Hai mẹ con hôn nhau trước khi chia tay. Isaac cảm thấy ân hận vì đã nói tới việc có lúc cậu cảm thấy muốn chết. Đơn giản là ý nghĩ này tới với cậu sau một lần, cậu với Anne bỗng dưng cảm thấy hợp nhau như sinh ra để dành cho nhau vậy. Hai đứa trẻ sau một lần quan sát sao trời qua ống kính thiên văn mà Isaac tự chế, tự dưng nghĩ rằng, chúng sinh ra là để làm một đôi thiên phú. Và để bảo vệ danh dự của mình, Isaac còn thách đấu quyết tử với anh ruột của Anne, cậu Arthur ngỗ ngược… May mà đã không có sự cố gì xảy ra…
Rồi thời gian trôi qua, Isaac đã “học hết chữ” của các thầy cô ở Grantham. Và ông bác William uyên thâm, khi nghe về tất cả những sáng chế ngây thơ của cháu mình, đã nghĩ ngay tới việc phải đưa Isaac tới học cao lên, ở Cambridge. Nhà trường đã làm một lễ tiễn hoành tráng cho cậu.
Thầy Hiệu trưởng Henry Stokes đã nói trong lời chia tay rằng, Isaac là minh chứng cho việc nếu chăm chỉ và tử tế, thì sẽ “ra tay, gạo xay ra cám”. Hôm đó, cả hai anh em trai nhà Stores cũng rớm nước mắt nhìn Isaac. Buồn rầu hơn cả là cô em út Anne. Trái tim bé bỏng của Anne hiểu rằng, từ nay tình bạn và tình yêu thơ ngây giữa họ sẽ chấm dứt. Isaac sẽ sống ở một vùng đất khác của nước Anh, toàn những trí tuệ siêu đẳng, sẽ không còn thời gian nhớ lại thời hoa niên ở thị trấn Grantham quê mùa nữa…
Vĩ thanh
Mọi sự đúng là như thế. Tốt nghiệp Cambridge, Isaac Newton ở tuổi 23 đã trở thành thạc sĩ, ở tuổi 27 đã là giáo sư toán, ở tuổi 30 đã được bầu vào Hội Khoa học Hoàng gia Anh và sau đó 30 năm, đã là Chủ tịch của nó. Ông đã tạo nên rất nhiều phát minh vĩ đại mà nổi danh nhất trong đó là Định luật Vạn vật hấp dẫn. Ham muốn thấu hiểu mọi sự trên đời, ông không bao giờ hiểu được trái tim phụ nữ để có một người vợ.
Một lần, trở về quê cũ, hay tin cô bé Anne ngày xưa nay đã lấy chồng, ông không tỏ ra buồn hay vui. Nhưng khi biết Anne đang phải sống chật vật, ông đã gửi cho nàng tiền trợ cấp. Ông không kể với ai về những ký ức tuổi thơ. Nhưng Anne thì đã thổ lộ với những người viết hồi ký của Newton về quãng đời hoa niên mà nàng đã biết về Isaac Newton…
Nguồn sưu tầm