Bàn bạc các điểm cần chú ý, rút kinh nghiệm khi viết truyện
1.Phải trau chuốt từ ngữ, câu chữ:
Đối tượng bộ truyện hướng đến là trẻ em, nên việc sử dụng từ ngữ đòi hỏi phải đơn giản, dễ hiểu, rõ ràng về ý nghĩa, không mập mờ gây hiểu lầm. Đồng thời trau chuốt câu văn để có được câu chuyện tốt nhất có thể. Trau chuốt theo hướng tinh gọn, câu đơn dễ hiểu, trẻ dễ dàng nắm ý cần diễn đạt.
Ví dụ:
Vị đệ tử nổi tiếng thứ hai trong 10 đại đệ tử của đức Phật là ngài Mục Kiền Liên thần thông đệ nhất (với phép thuật bậc nhất). Ngài Mục Kiền Liên sinh tại nước Ma Kiệt Đà (có thể dùng là “nước Ấn Độ”).Từ nhỏ Ngài đã sống trong nhung lụa, không thiếu thốn bất cứ thứ gì, thời thiếu niên theo học cùng một thầy cùng với người bạn chí thân (vô cùng thân thiết) là Xá Lợi Phất.
(Xem thêm ví dụ cuối bài viết)
2.Tại sao phải đặt câu hỏi chú ý tới nhân quả?
Giúp bé tập thói quen tư duy thường xuyên, hình thành nếp suy nghĩ: tại sao sự việc xảy ra như vậy? Không chỉ hiểu ngọn của hiện tượng, mà biết phân tích tìm ra gốc rễ, nguyên nhân. Một kết quả, một nguyên nhân nhưng suy xét nhiều chiều, nhiều mặt. Từ đó, dần có cái nhìn sâu sắc đối với cuộc sống.
Nhìn nhận, hiểu, tin tưởng và thấm nhuần qui luật nhân quả. (Nếu trẻ thật sự hiểu sâu sắc qui luật nhân quả, dự án đã rất thành công. Trẻ trách nhiệm với từng hành động, ý nghĩ của mình. Và biết hướng, biết cách để tạo nhân thành công, hạnh phúc)
Ví dụ: dâng hoa cúng phật, được dung mạo xinh đẹp. Tại sao vậy?
Và lại có trường hợp dâng hoa cúng Phật, được dung mạo xinh đẹp nhưng tâm tính lại xấu xa.
Có thể giải thích: một số trường hợp, tâm tham vẫn còn trong họ, diễn ra sự tranh giành nhau để được cúng dường. Do đó, ta phải hiểu, phải tập suy nghĩ sâu sắc hơn về nhân quả của một hiện tượng. Muốn vậy khả năng này phải được rèn luyện thường xuyên. Trả lời những câu hỏi trong truyện là một trong những cách rèn luyện đó.
Tư duy sâu, thường xuyên giúp trẻ phát triển về mặt trí tuệ, nhận thức phát triển. Đồng thời, từ những nhìn nhận sâu sắc, đúng đắn này sẽ giúp bé biết phân biệt điều đúng/sai, phải/trái, có được những phẩm chất đạo đức cơ bản.
3.Chọn lọc ý
Khi đọc nhiều mẫu chuyện để lấy dữ liệu, thông tin thu thập được rất nhiều, nhưng đặc biệt ta phải chọn lọc, rút ngắn, đúc kết câu chuyện theo hướng thể hiện 3 gốc (đạo đức, trí tuệ, nghị lực). Một nhân vật ta có thể chia ra làm 3 giai đoạn, có 3 mẫu chuyện viết về những giai đoạn này. Giai đoạn niên thiếu, nhân vật nổi bật yếu tố “nghị lực”. Khi trưởng thành, nhờ sự rèn luyện kiên trì bền bỉ, tôi luyện một nhân cách “đạo đức” tốt, và khi tuổi cao, “trí tuệ” ngày càng uyên bác.
Sau khi đã quyết định viết về giai đoạn nào, ta nên tập hợp những chi tiết hướng về ý chính ấy, các chi tiết nhất quán với nhau, cùng làm nổi bật chủ đề chính.
Chẳng hạn: thời niên thiếu, Phạm Ngũ Lão đã rèn luyện những kĩ năng gì, học tập những kiến thức nào, quá trình đó ra sao, có gặp phải những khó khăn gì không? Vượt qua khó khăn đó như thế nào? (từ những chi tiết này mà ta có thể giáo dục được bé, ươm mầm những kiến thức, kĩ năng cần thiết để trẻ theo đuổi hoài bão của mình)
*4. Kĩ năng đặt câu hỏi (phân tích rõ hơn)
Phân loại câu hỏi: có 2 loại
Câu hỏi định hướng: (Loại câu hỏi đúng sai, tốt xấu, nên hay không nên…) hướng trẻ đi đến câu trả lời dự tính trước, nhận thức được điều đúng sai thông qua câu hỏi. Định hướng cho trẻ hành động đúng. (Chính điều này đòi hỏi người viết phải có CHÁNH KIẾN)
Ví dụ:
- Ngay từ khi còn nhỏ Phạm Ngũ Lão là đứa trẻ hiếu kỳ, ham học hay là đứa trẻ thụ động?
- Phạm Ngũ Lão có tự ti vì mình xuất thân gia đình nông dân, nghèo nàn không?
Câu hỏi gợi mở (để trẻ tư duy tự do): đòi hỏi sự tư duy, kết hợp với những kiến thức nền tảng sẵn có, tìm tòi câu trả lời, đưa ra cách nhìn đa dạng, nhiều chiều về vấn đề được nêu.
Ví dụ:
- Phạm Ngũ Lão thuở niên thiếu đã nuôi chí lớn, cố gắng học tập, rèn luyện võ nghệ và nghiên cứu binh thư, sau này ông sẽ trở thành như thế nào?
- Lúc nhỏ, Edison hay thắc mắc tìm tòi học hỏi mọi điều xung quanh thì sau này lớn lên cậu sẽ trở thành người như thế nào?
Lấy đề tài nhà phát minh vĩ đại Thomas Edison
1.Câu hỏi thông tin: đây là câu hỏi dễ vì bé chỉ cần nắm thông tin của câu chuyện
- Thuở nhỏ (làm gì, gặp chuyện gì, vượt qua ra sao…)?
- Edison có đọc nhiều sách không? Thuở bé, gia đình Edison có giàu có không?
- Edison đã trải qua bao nhiêu thí nghiệm để thành công? (hơn 10.000 thí nghiệm)
Từ ý đó, triển khai thêm câu hỏi như thế nào để lột tả được nghị lực phi thường này?
(VD: khi gặp một bài tập khó con có dám thử qua 30 cách hay không?)
Tương tự, khi có một chi tiết đặc biệt như vậy, ta nên chủ động suy nghĩ hướng đặt câu hỏi liên quan đến trẻ, cho bé cơ hội nhìn nhận lại bản thân, tạo động lực rèn luyện.
2.Câu hỏi nổi bật trí tuệ:
Theo con 10.000 lần thí nghiệm của Edison có giống nhau hay không? (mỗi ngày phải có điều đổi mới => phải có trí tuệ mới có khả năng đột phá, thành công ở thí nghiệm cuối)
Mỗi thí nghiệm như vậy cần có sự cải tiến, đổi mới hay cứ lặp lại như cũ? Nếu đổi mới, đòi hỏi Edison phải là một người có trí tuệ như thế nào?
Bóng đèn do Edison sáng tạo ra đã sử dụng qua bao nhiêu thế hệ (bao nhiêu năm). Thể hiện trí tuệ, sự phát hiện vĩ đại của Edison, qua nhiều thế hệ, nhiều năm nhưng khám phá của ông vẫn không lỗi thời, vẫn được sử dụng.
3.Câu hỏi về đạo đức: TRUNG THỰC, BIẾT ƠN, CHO ĐI
- Trung thực (với mọi người, với chính mình) => câu hỏi này sẽ tạo nền tảng, hình thành tính không dối trá, không trộm cắp. (tham khảo câu chuyện washington chặt cây)
- Biết ơn: được sử dụng bóng đèn như ngày hôm nay là nhờ công của ai? (nhớ ơn và biết ơn). Được đi học đến trường là nhờ công của ai?
- Phục vụ (cho đi), bố thí: (với tấm lòng vị tha–vì người khác): Tháng rồi, ngày vừa rồi con đã làm những gì giúp ích cho ba mẹ, cho mọi người xung quanh? Tháng vừa rồi, tuần rồi ba mẹ con đã làm được những gì giúp ích cho xã hội, cho cộng đồng?
Chú ý: Có thể đặt câu hỏi nhằm tạo động lực thôi thúc bé rèn luyện, nhưng chú ý không làm dấy khởi bản ngã, cái tôi của bé. Dù là rất tinh tế.
Có 2 cách đặt câu hỏi như sau, nhưng tác dụng có thể khác nhau. Ta phải tư duy kĩ trước khi đặt câu hỏi. Ví dụ:
- Nếu con là Edison, con sẽ cảm thấy như thế nào khi chế tạo thành công bóng đèn phục vụ được cho nhiều người như thế? (dấy khởi bản ngã, khiến cái ta của bé trỗi dậy, khao khát được người khác công nhận)
- Nếu con là những người dân sống trong bóng tối, con sẽ cảm thấy như thế nào khi có được bóng đèn ra đời như vậy? (ngăn ngừa bản ngã, bé sẽ cảm nhận sự biết ơn trong một cộng động, tập thể. Từ đó động lực hình thành từ tấm lòng muốn phục vụ xã hội)
4.Câu hỏi về nghị lực
- Chánh tinh tấn
Những yếu tố thể hiện chánh tinh tấn
+ Dũng cảm, can đảm, dám làm dám chịu, dám đương đầu việc khó khổ
+ Kiên trì, nhẫn nại, chịu đựng, kiềm chế, dám làm đến cùng
+ Nỗ lực, cố gắng phát triển từng chút mỗi ngày, mỗi tuần
+ Dám ngăn ngừa việc xấu ác, dám làm việc đúng thiện
Những yếu tố thể hiện thiếu chánh tinh tấn
+ Hèn nhát, yếu đuối, sợ hãi, hay đổ lỗi, chỉ thích việc dễ, hay né việc khó
+ Cả thèm chóng chán, hay bỏ buộc, nóng vội
+ Lười biếng, ù lì, hạ thấp tiêu chuẩn công việc
+ Làm ngơ trước việc xấu ác, thấy việc thiện không ủng hộ
- Edison có kiên trì không? Thể hiện ở điều gì?
- Sự kiên trì của Edison có rất bền bỉ không? Các con kiên trì nhất là điều gì?
- Ba và Mẹ con thì có kiên trì không? Có kiềm chế không?
- Các con có ai béo mập quá không? Phải làm gì để giảm béo nào?
- Ba mẹ có thường xuyên làm hộ con không?
- Nếu để ba mẹ làm hộ thì con sẽ dần dần lười biếng hay can đảm?
- Thấy người nhà vứt rác bừa bãi, con có dám nhắc nhở họ không?
5.Chánh định (định lực)
Phân biệt khái niệm chánh định
Theo con, Edison làm 10.000 lần như vậy thì tập trung nhiều hay ít? 10.000 lần thí nghiệm như vậy, đòi hỏi Edison cẩn thận hay có thể cẩu thả, hấp tấp trong công việc?+Tập trung, không phân tán (định) (sự tập trung, kiên định là yếu tố rất quan trọng trong sự thành công của bé)
Trong việc làm hằng ngày, con có thường làm một cách hấp tấp không? Sự hấp tấp đó có thể khiến đạt thành công nhanh, bền vững không? Ba mẹ con là người điềm tĩnh, kĩ lưỡng không?
Hành vi nào, thói quen nào của tụi con ở nhà khiến các con mất tập trung? (Phát hiện những việc làm khiến bé mất tập trung => dần từ bỏ, khắc phục những thói quen, việc làm này)
Các Ba Mẹ lưu ý là sự ồn ào, đám đông náo nhiệt sẽ dễ làm mất định lực của trẻ. Do vậy bàn học tập & đọc sách của trẻ phải yên tĩnh, thuận tiện lấy sách vở & đồ dùng học tập.
6.Chánh mạng
Phân biệt Chánh mạng và Tà mạng (1 số ví dụ)
Một nhà phát minh, làm ra nhiều sản phẩm nhưng lại gây nghiện cho cộng đồng thì có tốt hay không? Ba mẹ con đã chọn một nghề nghiệp tốt chứ?Theo con một nhà khoa học, phát minh nhiều sản phẩm có ích cho cộng đồng có tốt hay không?
7.Chánh ngữ:
Trong mẫu chuyện có đối thoại, đối đáp, ta có thể đặt câu hỏi về chánh ngữ (ví dụ: mẫu truyện “Yêu thương có hiểu biết” trong thư mục google drive)
- Câu hỏi về cách ăn uống
Câu hỏi đặt ra phải truyền tải dần cách ăn uống đơn giản, chừng mực đến với trẻ. Trẻ xa dần với lối sống hưởng thụ, khiến cơ thể béo phì, yếu ớt dễ bệnh tật
Lưu ý: Để thổi hồn vào câu hỏi cho bé cảm, hiểu và thích tìm kiếm câu trả lời chỉ có thể thực hiện bằng việc trau chuốt hằng ngày, đọc nhiều, viết nhiều. Đến lúc quen dần ta có thể đưa ra những câu hỏi hay!
8.Đối tượng trả lời câu hỏi
Khi đặt câu hỏi, có 3 đối tượng mà câu hỏi hướng đến:
+ Nhân vật của câu chuyện
+ Các bé (khi ở nhà, ở lớp, ở bên ngoài…)
+ Ba mẹ, ông bà (nhằm đưa Chánh pháp vào cả gia đình)
♦ ♦ ♦
*Câu chuyện mẫu, trước và sau khi biên tập
THOMAS EDISON VÀ CHIẾC BÓNG ĐÈN ĐIỆN THỨ 10.000 (Chưa biên tập)
Vào năm 1847, nước Mĩ có một cậu bé ra đời.(hạn chế con số) Sau này cậu đã trở thành một nhà phát minh vĩ đại của Thế giới. Tên cậu là Thomas Alva Edison.
Từ nhỏ, Edison luôn tỏ ra rất hiếu kỳ, tò mò về thế giới xung quanh. Những câu hỏi như : “Tại sao…? Như thế nào…?” tuôn ra từ cậu nhiều đến mức những người lớn xung quanh cậu phải bối rối, không biết phải giải thích cho cậu như thế nào.
Năm 6 tuổi, Edison bị buộc phải thôi học vì thầy giáo không chịu đựng được tính tò mò và hay thắc mắc của cậu. Mẹ Edison đã dạy dỗ cậu rất kỹ suốt những năm tiếp theo, đến khi 12 tuổi, Edison đã ra ngoài làm thêm và tự học qua việc đọc sách. Edison rất thông minh nên cậu học đến đâu là biết đến đấy. Trong giai đoạn tự học này, cậu khám phá ra rằng mình đặc biệt yêu thích môn Khoa Học. (Nếu buộc thôi học vì tính quá thắc mắc, tò mò có thể khiến các bé hiểu lầm thắc mắc là xấu, trở nên e dè không dám đặt câu hỏi)
Tình yêu mãnh liệt với Khoa học và tính ham học hỏi đã biến Edison trở thành một nhà khoa học. Ông đã để lại cho đời vô số phát minh, trong đó có 3 phát minh quan trọng nhất là: Máy hát, Bóng đèn điện, Máy chiếu phim. (tập trung vào phát minh bóng đèn)
Năm 1878, Edison bắt đầu nghiên cứu bóng đèn điện. Ông đã tìm đọc tất cả các cuốn sách liên quan đến Điện Học. Cuối cùng, ông đi đến kết luận rằng ánh sáng có thể tạo ra bằng cách đốt nóng một vật dụng cháy sáng. (hạn chế con số)
Đầu tiên, ông lấy nhiều vòng dây kim loại rất mảnh rồi cho dòng điện với cường độ lớn chạy qua, nhưng chẳng mấy chốc, dây kim loại cháy thành tro.
Một năm sau, ông nảy sinh ý tưởng “Nếu như dây kim loại cháy trong môi trường không có không khí thì sao nhỉ?”. Và rồi ông làm một bóng thủy tinh, hút hết không khí ra ngoài. Kết quả cho ánh sáng trắng hơn, và dây kim loại cháy lâu hơn một tí rồi cũng đứt. (Nếu đưa vào sẽ làm loãng ý chính câu chuyện “Nỗ lực hơn 10.000 lần”, và phát sinh thắc mắc tại sao nên đốt trong môi trường không có không khí?)
Sáu tháng sau, Edison và các cộng sự của mình đã thử dùng một sợi than rất mảnh, và bóng đèn điện đã sáng trong 1, 2, 3… giờ vẫn chưa tắt. Mọi người đã thay nhau quan sát, xem bóng đèn có thể sáng được trong bao lâu. Và cuối cùng, chiếc bóng đèn ấy đã cháy liên tục trong 40 giờ. Niềm vui hiển lộ trên khuông mặt của của Edison và các thành viên của phòng thí nghiệm.
Không dừng lại ở đó, Edison luôn trăn trở làm sao để kéo dài tuổi thọ của bóng đèn điện? Có vật liệu nào phù hợp hơn đề làm dây tóc bóng đèn không? Ông miệt mài, làm hết thí nghiệm này đến thí nghiệm khác. Tổng cộng, ông đã làm trên 10.000 thử nghiệm, trong khoảng thời gian hơn 10 năm. Cho đến khi ông tìm được. Sợi Wolfram cho ánh sáng tốt hơn và có thể cháy liên tục suốt 1.000 giờ. Phát minh của Edison còn được sử dụng đến gần một trăm năm sau.(nhiều số liệu)
THOMAS EDISON VÀ CHIẾC BÓNG ĐÈN ĐIỆN THỨ 10.000 (Đã biên tập)
Thế giới có một nhà phát minh vô cùng vĩ đại. Tên ông là Thomas Edison.
Từ nhỏ, Edison luôn tỏ ra rất hiếu kỳ, tò mò về thế giới xung quanh. Những câu hỏi như : “Tại sao…? Như thế nào…?” tuôn ra từ cậu nhiều đến mức những người lớn xung quanh cậu phải bối rối, không biết phải giải thích cho cậu như thế nào.
Dù không học ở trường nhưng Edison luôn rất ham học và nỗ lực nghiên cứu. Năm 11 tuổi, Edison đã đọc hết bộ Bách Khoa toàn thư về khoa học.
Tình yêu mãnh liệt với Khoa học và tính ham học hỏi đã biến Edison trở thành một nhà khoa học. Ông đã để lại cho đời rất nhiều phát minh, trong đó có phát minh vô cùng quan trọng: bóng đèn điện.
Trải qua thời gian dài nghiên cứu, ông đi đến kết luận: ánh sáng có thể tạo ra bằng cách đốt nóng một vật dụng cháy sáng. Đầu tiên, ông lấy nhiều vòng dây kim loại rất mảnh rồi cho dòng điện chạy qua, nhưng chẳng mấy chốc, dây kim loại cháy thành tro. Ông nghĩ đến đốt một sợi than rất mảnh trong môi trường không có không khí. Sợi than ấy đã cháy sáng trong hơn 40 giờ.
Chưa dừng lại ở đó, Edison vẫn luôn tìm cách kéo dài thời gian chiếu sáng hơn nữa, ông đã làm đi làm lại hơn 10 000 thí nghiệm với vô số các vật liệu khác nhau. Cuối cùng ông cũng đã tìm ra Wolfram – vật liệu vô cùng bền bỉ. Chiếc bóng đèn sử dụng vật liệu này đã mang đến lợi ích rất lớn cho thế giới hơn một trăm năm sau.
TƯỚNG QUÂN PHẠM NGŨ LÃO (Chưa biên tập)
Bạn biết không, vương triều nhà Trần của nước Việt ta đã để lại dấu ấn sắc son trong dòng lịch sử của dân tộc, khi ta đã 3 lần đại thắng quân xâm lược Mông-Nguyên, vốn đang rất hiếu chiến và xâm lược hầu hết các nước từ Đông sang Tây. Để có được thắng lợi, công sức đóng góp của Đức thánh Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn, và những vị danh tướng hiển hách dưới trướng ngài là không hề nhỏ. Người cần nhắc tới đầu tiên là tướng quân Phạm Ngũ Lão. (Pha loãng ý chính)
Phạm Ngũ Lão sinh năm 1255, là người làng Phù Ủng, Hải Dương (hạn chế con số). Cha ông mất sớm, còn mẹ ông thì rất ốm yếu, hay ngã bệnh. Nhà ông nghèo lắm cho nên thuở thiếu thời, ông đi đan sọt để nuôi gia đình. Tuy vậy, Phạm Ngũ Lão vẫn nuôi chí lớn, dày công học tập, rèn luyện võ nghệ, nghiên cứu binh thư, hy vọng có dịp ra giúp nước.
Một hôm, Phạm Ngũ Lão ngồi đan sọt bên đường làng, nhưng đầu của ông lại đang suy nghĩ đến vận nước đang bị giặc Nguyên đe dọa. Ông tập trung suy nghĩ đến mức không để ý thấy Hưng Đạo Vương và đoàn tùy tùng đang tiến tới.Lính thân vệ đi trước thấy một chàng thanh niên ngồi chắn giữa đường bèn kêu cậu tránh đường. Nhưng Ngũ Lão vẫn ngồi bất động như không nghe thấy gì, làm đủ mọi cách từ hét lớn tiếng, lay mình nhưng Ngũ Lão vẫn ngồi im. Tức quá, một anh lính dùng ngọn giáo đâm vào đùi Ngũ Lão chảy máu. Lạ thay, mặt ông vẫn không hề chuyển sắc, vẫn ngồi tập trung cao độ suy tư. Hưng Đạo Vương thấy lạ, liền tới gần hỏi han thì Ngũ Lão trả lời ông. Sau vài lời đối đáp, Hưng Đạo Vương nhận ra chàng trai tráng kiện này không phài là một nhân vật bình thường mà là một nhân tài hiếm có và giàu nhiệt huyết với đất nước. Ông liền mời Ngũ Lão về Kinh Sư làm môn khách. (Chi tiết chưa thật sự hợp lý => biên tập)
Với tài năng kiệt xuất và sự chỉ dạy của Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão mau chóng trở thành một trong những vị tướng xuất sắc nhất, góp công đầu trong chiến thắng quân Nguyên xâm lược lần thứ 2 và thứ 3 (vào năm 1285 và năm 1288)
Lần 2 chống quân Nguyên, Phạm Ngũ Lão cùng thượng tướng Trần Quang Khải và tiểu tướng Trần Quốc Toản đánh thắng các trận Chương Dương, Hàm Tử. Sau đó lại cùng Nguyễn Khoái chặn đường rút của giặc, hạ được Lí Quán và Lí Hằng.
Trong đợt chống quân Nguyên lần 3, Phạm Ngũ Lão tham gia đánh trận Bạch Đằng. Ông chặn các ngã sông để dồn quân của Ô Mã Nhi và Phàn Tiếp chỉ còn một đường duy nhất là xuôi về Bạch Đằng, nơi Đại quân của ta đang mai phục chờ sẵn. Sau đó, ông mau chóng đưa quân quay lại, phục kích đội quân Thoát Hoan, hạ được ba đại tướng của quân Nguyên.
Sau đại thắng quân Nguyên, năm 1290, Phạm Ngũ Lão được vua Trần Nhân Tông giao cho ông cai quản quân Thành Dực, phong tước Hữu Kim Ngô Đại tướng quân. (Quá nhiều chi tiết lịch sử). Đến đời vua Trần Anh Tông, được thăng chức Điện súy Thượng tướng quân, chỉ huy cấm quân trong triều đình, gia phong tước Quan Nội hầu.
TƯỚNG QUÂN PHẠM NGŨ LÃO (Đã biên tập)
Phạm Ngũ Lão – vị danh tướng thời Trần đã có công rất lớn trong cuộc chiến chống quân Nguyên xâm lược. Ông sinh ra tại Hải Dương, gia đình nghèo khó, cha lại mất sớm, ông phải đan sọt để phụ giúp mẹ. Tuy vậy, Phạm Ngũ Lão vẫn nuôi chí lớn, dày công học tập, rèn luyện võ nghệ, nghiên cứu binh thư, hy vọng có dịp ra giúp nước.
Với chí lớn nuôi giữ trong lòng nhiều năm, mong muốn cống hiến cho đất nước, Phạm Ngũ Lão đã tìm cơ hội đón đầu đoàn quân của Trần Hưng Đạo. Người lính đi trước thấy một chàng thanh niên ngồi chắn giữa đường bèn kêu cậu tránh đường. Nhưng Ngũ Lão vẫn ngồi bất động, làm đủ mọi cách nhưng Ngũ Lão vẫn ngồi im. Tức giận, anh lính dùng ngọn giáo đâm vào đùi Ngũ Lão chảy máu, dù vậy khả năng tập trung phi thường giúp ông không hề biến sắc. Hưng Đạo Vương thấy lạ, liền tới gần gạn hỏi. Sau vài lời đối đáp, ông nhận ra chàng trai tráng kiện này là một nhân tài hiếm có và giàu nhiệt huyết với đất nước. Ông cho Ngũ Lão theo về kinh thành, đợi ngày thi tuyển ứng chọn hiền tài giúp nước.
Với tài năng kiệt xuất và sự chỉ dạy của Hưng Đạo Vương, Phạm Ngũ Lão mau chóng trở thành một trong những vị tướng xuất sắc nhất, góp công đầu trong 2 chiến thắng quân Nguyên xâm lược
Sau đại thắng quân Nguyên, Phạm Ngũ Lão được vua Trần Nhân Tông phong tước tướng quân. Đến đời vua Trần Anh Tông, được thăng chức chỉ huy đội quân cấm vệ trong triều đình, nắm giữ nhiệm vụ vô cùng quan trọng.
TRUYỆN WASHINGTON VÀ CÂY HOA ANH ĐÀO
George Washington là vị tổng thống đầu tiên của nước mỹ. Lúc còn nhỏ, ông là một cậu bé thông minh và tinh nghịch.
Một hôm, bố tặng washington một cái rìu, Cái rìu ấy còn mới tinh, vô cùng sắc bén. Washington vui ra mặt! Cậu nghĩ: “Cái rìu của mình có thể chặt được cây, cái rìu của mình có chặt được cây không nhỉ? Mình phải thử xem sao!”.
Cậu nhìn thấy một cây hoa anh đào ở trong góc vườn, gió khẽ thổi làm nó rung rinh như vẫy tay với cậu. “Được rồi, để ta thử xem cái rìu này sắc đến đâu nhé!” Washington vui vẻ chạy đến chỗ cây hoa anh đào, vung rìu lên chặt. Một nhát, hai nhát… cây hoa anh đào đổ sụp xuống.
Một lát sau, bố cậu về, nhìn câu hoa anh đào đổ dưới đất thì vô cùng tức giận. Ông hỏi Washington: “Có phải con chặt cây anh đào của bố không?”.
Washington lúc này mới biết mình đã nghịch dại, thầm nhủ: “Hôm nay bị bố đánh là cái chắc rồi!”. Nhưng cậu không bao giờ nói dối, vậy nên thành thật đáp: “Bố ơi, là con chặt đấy ạ. Con muốn thử xem cái rìu có sắc hay không!”.
Bố washington nghe thấy con nói vậy, không những không đánh mà còn ôm con vào lòng, vui vẻ nói: “Con trai ngoan của bố, bố thà mất một cây hoa anh đào chứ không muốn con nói dối dù chỉ một câu. Bố tha thứ cho con bởi con đã thành thật. Nhưng sau này không được tùy tiện chặt phá cây nữa nhé!”.
Washington nhìn bố, gật đầu đồng ý.