Hải Thượng Lãn Ông (1720 – 1791)

Hải Thượng Lãn Ông (1720 – 1791)

Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác (1720 – 1791) người làng Liêu Xá, huyện Đường Hào, phủ Thượng Hồng, tỉnh Hải Dương (nay là xã Hoàng Hữu Nam, huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Ông sinh ra trong một gia đình mấy đời khoa bảng (ông, cha, chú, bác, anh, em… ) đều học giỏi, đỗ đạt cao và làm quan to trong triều vua Lê – chúa Trịnh. Biệt hiệu Hải Thượng Lãn Ông có nghĩa là ông già lười ở Hải Thượng có lẽ do 2 chữ đầu tiên của tên tỉnh (Hải Dương) và tên phủ (Thượng Hồng) ghép lại nhưng cũng lại có thể do chữ Bầu Thượng là quê mẹ và là nơi Hải Thượng ở lâu nhất (từ năm 26 tuổi cho đến khi mất). Mặc dầu lấy biệt hiệu Lãn Ông, nhưng thực tế chúng ta sẽ thấy “lười” ở đây là lười với công danh, phú quí, nhưng lại rất chăm chỉ đối với sự nghiệp chữa bệnh, cứu người.

Wikipedia

Câu nói hay của Hải Thượng Lãn Ông

Nhân nghĩa là kho quý không bao giờ thay đổi phương hướng.

Nhân nghĩa trân tàng bất hoán phương.

Câu chuyện hay về Hải Thượng Lãn Ông

Dưỡng tâm là đệ nhất 

Những tác phẩm ông để lại chắt lọc những tinh hoa của y học cổ truyền, được đánh giá là công trình y học xuất sắc nhất trong thời trung đại Việt Nam. Phép dưỡng sinh của Hải Thượng Lãn Ông có vẻ đơn giản nhưng thực ra là phép dưỡng sinh toàn diện và sâu sắc, đáng tiếc là không được nhiều người đương thời biết đến.

Ông nói:

Đời xưa các bậc thánh tri

Chữa khi chưa bệnh có gì khó khăn

Đau rồi tiếc của thương thân

Khác gì khi loạn thấy cần đúc gươm

(Vệ sinh yếu quyết ca/Hải Thượng Lãn Ông)

Từ một góc độ nào đó, dưỡng sinh có tác dụng phòng bệnh. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, đó là đạo lý muôn đời nay.

Phép dưỡng sinh của Hải Thượng Lãn Ông kỳ thực đơn giản mà lại không đơn giản. Đơn giản ở chỗ có thể chỉ gói gọn trong vài câu thơ. Nhưng để tâm lĩnh thần hội và thực hành theo lại là điều không hề đơn giản:

Dưỡng sinh theo phép Chân Nhân

Nhiếp sinh phép có từ xưa

Âm dương thời tiết bốn mùa thuận theo

Tu thân dưỡng tính đôi chiều

Điều hòa thuật số bấy nhiêu phép mà

(Vệ sinh yếu quyết ca/Hải Thượng Lãn Ông)

Đoạn thơ súc tích đã nói lên bí mật của phép dưỡng sinh, đó là tuân theo phép tắc của Đạo gia, của các bậc Chân Nhân: Tu thân dưỡng tính, thuận theo tự nhiên – Âm dương thời tiết bốn mùa và điều hòa theo thuật số – vốn là cương kỷ của phép dưỡng sinh.

Khoa học phát hiện ra kết cấu não bộ của người giống như kết cấu của các tinh hệ. Đạo gia xưa cũng giảng con người là tiểu vũ trụ, do đó cũng phải tuân theo đặc tính tự nhiên của vũ trụ thì mới có thể ‘vận hành’ bình ổn.

Dưỡng tâm đặt lên hàng đầu

Hải Thượng Lãn Ông nhấn mạnh tầm quan trọng của yếu tố tinh thần trong phép dưỡng sinh, điều vốn đã chìm vào quên lãng từ bao lâu nay:

Muốn cho chân khí điều hòa

Sửa mình trong sạch hư vô trong lòng

Tinh thần giữ vững ở trong

Bệnh nào xâm được chẳng phòng cũng an

(Vệ sinh yếu quyết ca/Hải Thượng Lãn Ông)

Sách Linh Khu cũng khẳng định: “Một mình tà khí không thể làm hại người ta được, phải là người hư yếu thì tà khí mới ập vào được. Tư tưởng ổn định, yên tĩnh thì tinh khí sẽ cố thủ được ở trong, cho nên hư tà không thể làm hại được

%image_alt%
Tâm chính, tà khí bất xâm!

Khi tâm sạch thanh tịnh, không còn ham muốn đòi hỏi, chẳng tranh chẳng đấu, sống ung dung tự tại thì tự nhiên tà (bệnh tật) sẽ không dám xâm hại, đây cũng chính là trọng điểm dưỡng sinh của Đạo gia. Người làm được như vậy xưa gọi là Chân Nhân:

Noi xưa ăn ở thật thà

Chẳng vì danh lợi bôn ba nhọc lòng

Chí nhân, lòng chẳng muốn tham

Có gì lo sợ tà xâm hại minh

Mọi điều vừa phải thì thôi

Muốn gì cũng được chẳng đòi hỏi hơn

Ăn thường mà vẫn thấy ngon

Mặc gì cũng đẹp vui quen với đời

Chẳng hề tranh cạnh đua đòi

Mọi người chất phác chẳng nài dưới trên

Mắt trông chẳng muốn chẳng thèm

Dâm tà đâu dễ quấy phiền lòng ta

(Vệ sinh yếu quyết ca/Hải Thượng Lãn Ông)

Nếu làm được như vậy thì:

Bất kỳ kẻ khéo người ngu

Ai mà biết giữ chẳng lo sợ gì

Trăm năm động tác chẳng suy

Dưỡng sinh trọn đạo chẳng nguy chút nào

(Vệ sinh yếu quyết ca/Hải Thượng Lãn Ông)

Phòng bệnh hơn chữa bệnh. Trong vô số những bài thuốc, những kinh nghiệm đúc kết, những lý luận để lại cho đời của Hải Thượng Lãn Ông, có lẽ phép dưỡng sinh là thứ có giá trị hơn cả. Trong đó phép dưỡng tâm được đặt lên hàng thứ nhất, là nét tinh túy nhất trong đạo dưỡng sinh của Đông Y nói riêng và của Đạo gia nói chung.

Chẳng vậy mà:

Lo sầu vì bệnh giàu sang

Vui nghèo khoẻ mạnh hiên ngang trong lòng

Thảnh thơi ở chốn núi rừng

Cuộc đời thanh bạch mà thường sống lâu

Hơn người quyền quý công hầu

Nhàn cư tửu sắc phần nhiều chết non

Mặc dù đạo dẫn, tiên đan

Đâu bằng hai chữ Thanh tâm là cùng

(Vệ sinh yếu quyết ca/Hải Thượng Lãn Ông)

Người xưa vì để tu dưỡng tâm tính, thanh tâm quả dục mà rời xa vòng danh lợi, sống ẩn cư nơi rừng núi bầu bạn với thiên nhiên. Xã hội ngày nay phóng túc dục vọng, ngày càng phức tạp, con người trong xã hội muốn dưỡng tâm, đạt được thanh tâm quả thực khó khăn muôn trùng.

Người ngày nay đủ các loại bệnh, có những bệnh không hề thấy trong xã hội xưa. Tại sao? Nếu theo các danh y xưa, thì ngoài các yếu tố ngoại cảnh như ô nhiễm môi trường, ô nhiễm thực phẩm và nước… thì vấn đề ở tự thân là số 1, trong tâm quá nhiều ham muốn, tâm bất an mà sinh bệnh trên thân. Có uống thuốc bổ thế nào, y học hiện đại ra sao cũng không giải được vấn đề này. Yoga, thiền định, khí công chỉ là phương pháp hỗ trợ, thiết yếu nhất chỉ có tịnh tâm cho chính thì mới vượt được khí tà, mới qua được bạo bệnh.

Nguồn sưu tầm